Dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử hào hùng. Tuy hàng nghìn năm lịch sử chúng ta bị áp bức bóc lột nhưng đôi khi đây chính là lợi thế dành cho văn hóa Việt Nam chúng ta – ngoài có nền văn hóa truyền thống chúng ta còn vừa được du nhập thêm những văn hóa châu âu, văn hóa châu mĩ. Đây có thể được coi là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước của cộng đồng các dân tộc VN, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa của chúng ta đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh VN, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.”
Để có cái nhìn khái quát hơn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sự thay đổi của văn hóa VN từ 1945 tới nay nhé.
1. Về mặt thời gian
Từ sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (CHXHCN Việt Nam) đến nay tròn 66 năm. Khoảng thời gian đó rất ngắn so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Giai đoạn này lại trải qua nhiều biến cố lịch sử, văn hóa dân tộc cũng chịu sự tác động lớn lao.Những giá trị văn hóa mới đang định hình cần có thời gian thử thách và sàng lọc.

2. Về mặt không gian, lịch sử
Đây là giai đoạn có nhiều biến cố lịch sử: Cách mạng tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, chiến tranh chống Mĩ, đất nước tạm thời bị chia cắt, tổ quốc thống nhất đi lên Chủ nghĩa Xã hội, vượt qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, đổi mới và phát triển, phá thế bao vây, cấm vận để hội nhập với khu vực và thế giới…
3. Đặc điểm văn hoá thời kỳ này:
– Ba mươi năm chiến tranh kìm hãm sự phát triển của VH, nhưng sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là thời kì đổi mới theo khởi xướng của Đảng từ sau Đại hội lần thứ VI năm 1986 đến nay, VHVN có điều kiện, cơ hội phát triển nhưng cũng không ít những thách thức trên con đường bảo tồn và phát triển của mình.
– Người lao động trở thành người làm chủ – chủ thể của nền VH mới vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
– Nền VH bảo tồn và phát triển theo sự định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các văn kiện như ”Đề cương văn hoá Việt Nam”, (1943), ”Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam” (1948); các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng như các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng…
– Hệ tư tưởng xã hội: Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và tư tưởng, phương pháp luận của người Việt Nam.
– Giao lưu mạnh mẽ và rộng khắp với văn hoá các dân tộc trên thế giới.
– Kinh tế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đã tác động không nhỏ tới bản sắc VH dân tộc.
4. Thành tựu văn hóa chính
Dự báo đây là giai đoạn VHVN sẽ phục hưng và phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện, đạt tới đỉnh cao mới. Về cơ bản, đời sống văn hóa người Việt hiện nay vẫn mang những nét truyền thống của văn hóa dân tộc nhưng đồng thời cũng có những chuyển biến biến mạnh mẽ, ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài (chủ yếu phương Tây) và mang những nét của văn hóa hiện đại. Những giá trị văn hóa mới ấy đang định hình cần có thời gian thử thách và lựa chọn.
Tuy vậy, chúng ta cũng có thể nêu một vài nét tiêu biểu của VH giai đoạn này:
a. Về văn hóa tinh thần:
– Khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xã hội. Tiến bộ khoa học được áp dụng trên mọi lĩnh vực kể cả trong sản xuất nông nghiệp.
– Người Việt Nam đã suy nghĩ khách quan, lý tính hơn trong xử lý công việc, coi trọng thực nghiệm – đây cũng là thể hiện sự ảnh hưởng của lối tư duy phân tích của phương Tây
– Lối sống hiện đại ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với giới trẻ.
– Đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt hiện nay đa dạng, phong phú. Bên cạnh những phong tục, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống (lễ hội, lễ tết, thờ cúng ông bà tổ tiên…) còn xuất hiện thêm nhiều lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng khác.
Các phong tục truyền thống có sự thay đổi để phù hợp với thực tế hơn (ví dụ: trước đây lễ cưới phải nộp cheo cho làng thì nay không còn nữa). Lễ tết, lễ hội kết hợp truyền thống và hiện đại (tục lệ gói, luộc bánh chưng chỉ xuất hiện chủ yếu ở vùng nông thôn, còn ở thành thị người ta thường mua bánh chưng về để trưng trên bàn thờ, bàn thờ ngày tết bên cạnh những vật thờ truyền thống thường thấy có thêm bánh kẹo, rượu bia…). Nhiều phong tục, lễ hội mới được tổ chức (như lễ hội trái cây ở miền Tây Nam bộ, lễ hội hoa, lễ hội cà phê…) hoặc du nhập vào Việt nam và dần trở thành nét sinh hoạt văn hóa của giới trẻ (như ngày tình nhân Valentin 14-2, lễ hội hóa trang, Nô-en…)
– Văn học nghệ thuật phát triển hiện đại, đa dạng, phong phú, đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng đất nước và làm giàu VH dân tộc.
b. Về văn hóa vật chất
– Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Nhiều công trình kiến trúc hiện đại làm thay đổi bộ mặt đất nước: thủy điện Hòa Bình, cầu Cần Thơ, hầm Thủ Thiêm…
– Tốc độ đô thị hóa nhanh. Đô thị đã chuyển từ chức năng trung tâm chính trị đã chuyển sang phát triển theo theo mô hình đô thị công – thương nghiệp, chú trọng chức năng kinh tế.
– Về ăn: Người Việt vẫn giữ được những nét của văn hóa ăn uống dân tộc. Cơ cấu bữa ăn đã có phần thay đổi tuy lúa gạo vẫn là lương thực chính trong bữa ăn.
Về đồ uống ngoài các sản phẩm truyền thồng như các loại như rượu, nước vối, nước chè xanh…thì các sản phẩm công nghiệp đang dần chiếm ưu thế.
Nhiều món ăn phương Tây, đặc biệt là món ăn nhanh xuất hiện và được ưa chuộng để phù hợp với nhịp sống bận rộn thời công nghiệp.

– Về mặc: Hiện nay, trang phục thường ngày đã được Âu hóa. Các loại thời trang công sở, thời trang lễ hội, các loại đồ mặc ở nhà, mặc khi đi ngủ… xuất hiện nhiều và đa dạng về mẫu mã. Trang phục dân tộc chỉ còn xuất hiện trong lễ hội.
Chất liệu may mặc hiện nay cũng rất đa dạng, sử dụng nhiều các chất liệu công nghiệp như vải pha, cô-tông…
– Về ở: Nhà của người Việt hiện nay cũng chịu ảnh hưởng lớn của phong cách bên ngoài, đặc biệt là cấu trúc, chất liệu nhà ở theo kiểu phương Tây. Không chỉ ở đô thị, nhà cửa được bê tông hóa mà xu hướng đó cũng đang ngày càng phổ biến ở nông thôn.
– Về đi lại: Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy ngày càng phát triển. Phương tiện đi lại đa dạng và hiện đại (xe máy, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…).
Nhìn vào những vấn đề trên chúng ta có thể cảm thấy vô cùng tự hào là con người VN, dòng máu VN vô cùng hào hùng phải không. Chúng ta hãy cùng nhau ngày một chung tay phát triển đất nước nhé.